Bị tai nạn trên đường đi làm có được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động?

Người lao động đi trên đường từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý, nếu gặp tai nạn sẽ được hưởng chế độ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đầu năm 2022, ông Ngô Đình Thạnh (50 tuổi, ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) không may gặp tai nạn giao thông. Lúc đó, ông Thạnh đang trên đường từ cơ quan về nhà tại xã Bình Hải (huyện Bình Sơn). Vụ tai nạn khiến ông Thạnh bị chấn thương khá nặng, bị suy giảm khả năng lao động đến 47%.

Nhờ được sự hướng dẫn của BHXH, ông Thạnh đã làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp. Chỉ sau một thời gian ngắn, ông Thạnh đã được chi trả trợ cấp với mức 1,4 triệu đồng/tháng.

"Khi mới gặp tai nạn, tôi không để ý đến chế độ bảo hiểm này, đến khi sức khỏe ổn định, đi làm trở lại mới được hướng dẫn làm thủ tục nhận bảo hiểm. Mới đầu, tôi cứ tưởng hồ sơ phức tạp nhưng thật ra rất đơn giản, bảo hiểm xã hội giải quyết rất nhanh", ông Thạnh cho biết.

Theo ông Thạnh, rủi ro gặp tai nạn trên đường đi làm khiến sức khỏe giảm sút rất nhiều. Do đó, việc được chi trả chế độ bảo hiểm hàng tháng giúp ông có thêm nguồn thu nhập chi tiêu trong gia đình, bồi dưỡng sức khỏe. "Khi không may gặp tai nạn, đau ốm mới thấy hết được ý nghĩa của việc đóng bảo hiểm", ông Thạnh nhấn mạnh.

Tai nạn

Bà Bùi Thị Hằng - Trưởng phòng Chế độ BHXH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mỗi năm có hàng chục người lao động không may gặp tai nạn được chi trả chế độ Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp. Thống kê từ năm 2021 đến nay, BHXH tỉnh đã giải quyết chế độ hàng tháng cho 31 người, chi trả một lần cho 19 người lao động gặp tai nạn. Trong số này có những trường hợp gặp tai nạn trên đường đến cơ quan làm việc, hoặc từ cơ quan về nhà.

Theo bà Hằng, có một vấn đề trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động ít được người lao động và doanh nghiệp để ý đó là người lao động gặp tai nạn trên đường. Do đó, nhiều trường hợp đã không làm thủ tục để được hưởng chế độ theo quy định.

"Nếu người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý không may gặp tai nạn sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm một lần, hoặc trợ cấp hàng tháng tùy theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động", bà Hằng thông tin.

Để được hưởng chế độ này, khi gặp tai nạn, người lao động cần ít nhất là biên bản xác nhận sự việc của Công an xã nơi xảy ra vụ việc. Sau đó, người lao động liên hệ với BHXH để được hướng dẫn hoàn tất thủ tục, việc này khá nhanh và đơn giản, đảm bảo người lao động được nhận chế độ một cách nhanh nhất.

Đối với BHXH luôn tuyên truyền vấn đề này cho người lao động tại các doanh nghiệp, và sẵn sàng hỗ trợ người lao động hoàn tất hồ sơ. Có trường hợp người lao động gặp tai nạn giao thông trên đường đi làm đã hơn một năm vẫn được BHXH Quảng Ngãi hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục liên quan để được giải quyết chế độ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo bà Hằng, Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ "trợ lực" rất lớn cho người lao động không may gặp tai nạn. Rộng hơn, khi tham gia BHXH, người lao động được hỗ trợ nhiều chế độ trong lúc còn làm việc và khi về hưu.

"Người lao động cần hiểu rõ quyền lợi của mình khi làm việc tại các doanh nghiệp. Phải yêu cầu doanh nghiệp ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Đồng thời tìm hiểu các quy định của pháp luật về chế độ tai nạn lao động nhằm đảm bảo quyền lợi của mình, đảm bảo việc thiết lập hồ sơ đề nghị hưởng kịp thời theo quy định", bà Hằng nói.

Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau: Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Tin liên quan

Các cách định vị số điện thoại

Quan hệ tình cảm với người đã có vợ sẽ bị xử lý thế nào?

Cách để biết ôtô có bị phạt nguội hay không?

Cách lấy lại số tài khoản ngân hàng bị quên

Trốn cấp dưỡng sau ly hôn: Nâng mức phạt đến 10 triệu đồng

Phụ nữ độ tuổi nào dễ ngoại tình nhất?

6 cách nhận biết điện thoại bị theo dõi mà bạn phải biết

Thủ tục khởi kiện ra tòa để đòi nợ như thế nào?

Thủ tục đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thủ tục ly hôn theo quy định tòa án mới nhất 2022