Trả lời
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị
Trường hợp bạn phải tạm nghỉ việc để tránh bão được xác định là trường hợp người lao động phải ngừng việc. Khi đó, việc thanh toán tiền lương trong thời gian ngừng việc được quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Nếu ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng.
Nếu ngừng việc do lỗi của người lao động, người đó không được trả lương. Trường hợp người lao động có lỗi khiến công ty phải ngừng việc, những người lao động khác sẽ được trả lương theo mức thỏa thuận với công ty nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Nếu ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoặc vì lý do kinh tế thì người lao động và công ty sẽ thỏa thuận về tiền lương ngừng việc. Mức thỏa thuận được tính cụ thể như sau:
Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày trở xuống, tiền lương ngừng việc trong những ngày này không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Theo quy định cũ, mức lương tối thiểu vùng ở Đà Nẵng (vùng 2, nơi bạn làm việc) là 3,92 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo quy định mới tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng 2 được nâng lên 4,16 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7. Về mức lương tối thiểu giờ, mức lương tối thiểu giờ của vùng 2 là 20.000 đồng/giờ.
Trường hợp ngừng việc trên 14 ngày, tiền lương ngừng việc trong những ngày này phải bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng trong 14 ngày đầu tiên.
Trong tình huống của bạn, việc bạn phải ngừng việc thuộc trường hợp do yếu tố thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm... Do thời gian ngừng việc dưới 14 ngày, mức lương bạn được hưởng trong những ngày này sẽ do người lao động và người sử dụng lao động thoả thuận, không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại Đà Nẵng.