Không trả lại tài sản nhặt được có bị phạt không?

Trên thực tế, nhiều trường hợp người dân nhặt được tài sản nhưng lại không thông báo hoặc không trả lại khi có yêu cầu. Vậy không trả lại tài sản nhặt được có bị phạt không?

1. Nhặt được tài sản thì phải làm thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015, khi nhặt được tài sản của người khác đánh rơi thì người nhặt được phải xử lý như sau:

- Nếu biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó;

- Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Nhặt được của rơi

2. Nhặt được tài sản thì sau bao lâu được “bỏ túi”?

Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

- Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (nhỏ hơn hoặc bằng 14.900.000 đồng) thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (lớn hơn 14.900.000 đồng) thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng:

+ Giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (14.900.000 đồng); và

+ 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

- Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

(Khoản 2 Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015)

3. Không trả lại tài sản nhặt được có bị phạt không?

Theo quy định thì người nhặt được tài sản phải trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc phải giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền, theo yêu cầu của những người này.

Trường hợp các chủ thể trên có yêu cầu trả lại tài sản nhưng người nhặt được không trả lại tài sản nhặt được thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự, cụ thể:

* Xử phạt vi phạm hành chính với người không trả lại tài sản nhặt được:     

Theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào chiếm giữ trái phép tài sản của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, người chiếm giữ trái phép tài sản còn buộc phải trả lại tài sản mà mình chiếm giữ trái phép.

* Xử lý hình sự với người không trả lại tài sản nhặt được:

Người chiếm giữ trái phép tài sản của người khác nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể:

* Khung 1:

Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản:

- Trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; hoặc

- Dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được.

Sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

* Khung 2:

Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Theo: Thuvienphapluat

Tin liên quan

Cách gỡ bỏ phần mềm theo dõi điện thoại hiệu quả

5 tuyệt chiêu ngoại tình trốn công sở

Chia sẻ 3 cách theo dõi vợ / chồng ngoại tình hiệu quả nhất

Cách chia tài sản sau ly hôn theo quy định mới nhất năm 2022 ?

Theo dõi điện thoại không cần cài đặt phần mềm lên máy người khác?

Kết hôn với con riêng của mẹ kế có vi phạm pháp luật không?

Các vấn đề về ly hôn theo quy định pháp luật

Top 5 thiết bị thám tử thông dụng nhất hiện nay

Những nội dung cơ bản Luật Doanh nghiệp

Cách phát hiện máy ghi âm đơn giản