Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này vừa có phiên giao dịch tích cực nhất kể từ đầu tháng 10 trên thị trường mở.
Cụ thể, tiếp tục xu hướng bơm ròng tiền Đồng để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, trong phiên 10/10, cơ quan quản lý tiền tệ vẫn thực hiện nghiệp vụ mua đấu thầu tín phiếu với doanh số trúng thầu cao kỷ lục gần 21.700 tỷ đồng.
Trong số tín phiếu được NHNN mua vào phiên gần nhất, gần 15.000 tỷ đồng được thực hiện với kỳ hạn 14 ngày và ghi nhận 15/15 thành viên tham gia đấu giá đều trúng thầu. Với gần 6.700 tỷ đồng tín phiếu còn lại, kỳ hạn được thực hiện là 28 ngày và có 11/11 thành viên tham gia đấu giá và trúng thầu.
Như vậy, toàn bộ nhu cầu thanh khoản kỳ hạn 14 và 28 ngày của các thành viên thị trường đều được NHNN đáp ứng trong phiên đầu tuần này. Đồng nghĩa với việc đã có gần 21.700 tỷ đồng được bơm ra thị trường, đánh dấu phiên bơm ròng mạnh nhất từ đầu tháng đến nay.
Thực tế, xu hướng bơm ròng tiền Đồng để hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng thương mại đã được NHNN duy trì từ đầu tháng, sau khi ghi nhận lãi suất cho vay VNĐ chéo giữa các nhà băng tăng cao trong tuần cuối cùng tháng 9.
Từ vùng 5%/năm, lãi suất cho vay liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng vọt lên trên 8%/năm vào tuần trước, cao nhất kể từ năm 2012. Dù đã hạ nhiệt, lãi suất cho vay qua đêm hiện vẫn dao động quanh vùng 7%/năm, tương đương mức lãi suất huy động trên thị trường 1 (ngân hàng với cư dân) kỳ hạn 6-11 tháng tại các ngân hàng thương mại cỡ nhỏ và kỳ hạn 12 tháng tại nhóm ngân hàng cỡ lớn.
Điều này đồng nghĩa với việc để đáp ứng nhu cầu thanh khoản ngắn hạn, các ngân hàng đã phải chấp nhận vay qua đêm với lãi suất huy động tương đương 6-12 tháng.
Trong bối cảnh này, NHNN đã lập tức đảo chiều dòng tiền trên thị trường mở, từ hút ròng sang bơm ròng. Tính từ đầu tháng 10, nhà điều hành đã thực hiện mua gần 63.400 tỷ đồng tín phiếu từ các nhà băng, qua đó bơm ra lượng tiền Đồng tương ứng.
Trong phiên gần nhất, dù ghi nhận khối lượng tiền Đồng được bơm ra cao nhất từ đầu tháng, việc lãi suất trúng thầu giảm về 5,5%/năm với kỳ hạn 14 ngày và 5%/năm với kỳ hạn 28 ngày cho thấy thanh khoản hệ thống đã bớt căng thẳng so với tuần trước.
Trong tuần trước đó, để vay được tiền từ NHNN, các ngân hàng thương mại có thời điểm phải chịu lãi suất lên tới 6,9%/năm.
Với động thái bơm tiền liên tục từ nhà điều hành qua thị trường mở, lãi suất cho vay liên ngân hàng đã hạ nhiệt trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua, ở mức 6,61%/năm với kỳ hạn qua đêm và 6,79%/năm với kỳ hạn 1 tuần, giảm lần lượt 1,25 điểm % và 1,12 điểm % so với phiên liền trước. Với các kỳ hạn 2 tuần; 1 tháng và 3 tháng, lãi suất cũng giảm về mức 6,95%/năm (-0,11%); 7,92%/năm (-0,06%); và 7,58%/năm (-1,55%).
Ghi nhận trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI ước tính tuần này, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ được bổ sung bởi 45.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tuy nhiên, sự kiện liên quan Ngân hàng SCB vừa qua có thể phần nào tác động tới thanh khoản chung của hệ thống. Do đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng khó có thể hạ nhiệt tuần này.
SSI cũng cho biết trong tuần trước, một số ngân hàng tham gia cơ cấu ngân hàng yếu kém đã được NHNN cấp bổ sung thêm hạn mức tín dụng với tổng giá trị ước tính hơn 80.000 tỷ đồng. Điều này cũng tạo áp lực lên nhu cầu vốn của các nhà băng, từ đó làm tăng mặt bằng lãi suất huy động.
“Áp lực lên lãi suất huy động và cho vay còn khá cao trong giai đoạn còn lại của năm, khi chênh lệch huy động vốn - tín dụng hiện ở mức âm hơn 200.000 tỷ đồng”, SSI nhận định.
Các chuyên gia tại đây ước tính với đợt phân bổ thêm tuần trước, tăng trưởng tín dụng trong năm này ước tính đạt 14% so với cuối năm 2021, tương đương hạn mức NHNN đưa ra đầu năm.
Hiện tại, tín dụng toàn ngành đã tăng 10,96% so với cuối năm ngoái và sẽ có khoảng 317.000 tỷ đồng được phân bổ trong giai đoạn còn lại của năm.