Đó là một trong nhiều điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (phạt nguội), được nêu trong Thông tư 15/2022/TT-BCA (Thông tư 15) của Bộ Công an. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 21/5 tới.
Dưới đây là một số quy định mới mà lái xe cần chú ý để chủ động trong việc xử lý, giải quyết nếu không may bị phạt nguội:
1. Tăng thời hạn xử lý phạt nguội lên 10 ngày
Khoản 2 Điều 4 Thông tư 15 (bổ sung Điều 19a Thông tư 65/2020/TT-BCA) quy định trong trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông người có thẩm quyền xử phạt thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tiến hành xử phạt trong thời hạn 10 ngày làm việc.
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 65/2020/TT-BCA, thời hạn xử lý phạt nguội là chỉ là trong 5 ngày làm việc.
2. Người dân không cần quay lại đúng nơi vi phạm để xử lý
Cũng tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 15, khi phát hiện vi phạm thông qua phương tiện, thiết bị nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát sát giao thông mà không dừng được phương tiện để xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ xác định thông tin về người và phương tiện vi phạm và gửi kết quả phạt nguội về Công an nơi cư trú của chủ xe để giải quyết.
Trong đó:
- Chuyển kết quả đến Công an cấp xã nơi người vi phạm cư trú: Nếu vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã.
- Chuyển kết quả đến Công an cấp huyện nơi người vi phạm cư trú: Nếu vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã hoặc thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã nhưng Công an cấp xã chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối.
Khi người vi phạm đến làm việc thì Trưởng Công an cấp xã, Trưởng Công an cấp huyện tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm giao thông theo quy định.
Trước đó, tại Thông tư 65/2020/TT-BCA, sau khi xác minh được người vi phạm, cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm sẽ gửi thẳng thông báo mời người vi phạm đến trụ sở để giải quyết. Nếu người vi phạm không đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết thì mới gửi thông thông báo đến Công an xã nơi người đó cư trú.
3. Quá 20 ngày không giải quyết, xe có thể bị từ chối đăng kiểm
Theo quy định hiện hành tại Thông tư 65/2020/TT-BCA, trong thời hạn 15 ngày làm việc, tính từ ngày gửi thông báo phạt nguội mà người vi phạm không đến trụ sở Cảnh sát giao thông thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa ô tô vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.
Tuy nhiên, từ ngày 21/5 tới đây, khi Thông tư 15 có hiệu lực, thời hạn này sẽ được kéo dài thành 20 ngày nhưng tính theo ngày thông thường, chứ không phải ngày làm việc.
Như vậy, nếu sau 20 ngày kể từ ngày cơ quan Công an gửi thông báo phạt nguội mà người vi phạm không đến giải quyết thì phương tiện sẽ bị đưa vào phần mềm cảnh báo đăng kiểm của Cục đăng kiểm Việt Nam. Lúc này, chủ xe sẽ bị từ chối kiểm định nếu chưa giải quyết vi phạm.
4. Được nộp phạt online tại Cổng Dịch vụ công Bộ Công an
Căn cứ quy định hiện hành tại Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, người vi phạm giao thông có thể nộp phạt thông qua các hình thức sau:
- Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản (có ghi trong quyết định xử phạt).
- Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
- Nộp phạt trực tiếp cho cho chiến sĩ Cảnh sát giao thông.
- Nộp tiền phạt qua dịch vụ bưu chính công ích.
Với quy định mới tại Thông tư 15, người vi phạm sẽ có thêm 1 cách để nộp phạt vi phạm giao thông đó là truy cập Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an thông qua địa chỉ https://dichvucong.bocongan.gov.vn/.
Như vậy, một số điều chỉnh mới tại Thông tư 15 liên quan đến phạt nguội theo hướng thuận tiện hơn cho người dân. Tuy vậy, chủ xe và người vi phạm cũng cần nâng cao ý thức tham gia giao thông và thường xuyên tra cứu thông tin về phạt nguội của xe mình để xử lý kịp thời, tránh để quá hạn sẽ không được đăng kiểm.