Phải làm gì nếu thông tin ly hôn bị dán trước cổng nhà

Chị H. bức xúc khi gần đây các thông cáo về thủ tục ly hôn của chị bị dán đầy trước cổng nhà, trước sự chứng kiến của nhiều người dân xung quanh.

Mới đây, chị H. (ở quận Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ nỗi bức xúc trên trang Facebook cá nhân khi cho rằng TAND quận Ba Đình làm lộ thông tin cá nhân và bí mật gia đình trong quá trình xử lý đơn ly hôn.

Theo chia sẻ của chị H., khi giải quyết đơn ly hôn của vợ chồng chị H. tòa án gửi các văn bản tố tụng theo đường bưu điện tới địa chỉ thường trú của người phụ nữ này. Chị H. đi vắng nên để cho hàng xóm nhận hộ. Những lần sau, văn bản từ toà án được ném vào cổng nhà chị H. mà không có bì thư để bảo quản thư, bảo mật thông tin. Ngày 17/8, bộ phận tống đạt văn bản tố tụng dân sự đã dán các thông cáo về thủ tục ly hôn của chị H. trước cổng nhà, trước sự chứng kiến của nhiều người dân xung quanh.

Trong trường hợp này, cách tống đạt văn bản tố tụng như trên có đúng với quy định của pháp luật? Nếu việc này ảnh hưởng đến thông tin cá nhân, chị H. cần làm gì?

Luật sư Phạm Văn Thạnh, Đoàn luật sư TP.HCM:

Việc tống đạt văn bản cho bị đơn trong vụ án tố tụng dân sự cần tuân thủ Điều 175 và Điều 176 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, quy định về Thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng. Theo đó, người thực hiện công việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải trực tiếp chuyển cho người được cấp. Người được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng. Còn việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính phải bằng thư bảo đảm, có xác nhận của người nhận văn bản tố tụng. Sau đó, văn bản có xác nhận phải được chuyển lại cho tòa án.

Trong trường hợp chị H. vắng mặt, người nhận phải là người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với chị hoặc tổ trưởng tổ dân phố tại địa phương chị H. sinh sống. Những cá nhân này cũng phải ký nhận vào biên bản xác nhận và cam kết giao lại tận tay ngay cho người được tống đạt. Biên bản sau đó phải được lưu trong hồ sơ vụ án.

Về việc dán văn bản công khai trước nhà bị đơn, luật sư cho rằng thủ tục niêm yết cần được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Dựa Khoản 2 Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, nguyên tắc niêm yết công khai văn bản tố tụng như sau:

Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do tòa án trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc UBND cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện theo thủ tục sau đây:

a) Niêm yết bản chính tại trụ sở tòa án, UBND cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;

b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;

c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.

Việc niêm yết công khai cũng chỉ được thực hiện trong trường hợp không thể trực tiếp cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho bên được tống đạt dựa Khoản 1 điều luật kể trên.

Việc chị H. bức xúc là có cơ sở bởi việc bị rò rỉ thông tin cá nhân và bí mật gia đình là điều không ai mong muốn. Pháp luật bảo vệ quyền bí mật thông tin và an toàn thư tín của công dân theo Khoản 1 và 2 Điều 21 Hiến pháp Việt Nam 2013. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Việc làm lộ thông tin vụ ly hôn là vô cùng tế nhị và ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của nguyên đơn cũng như bị đơn. Trong trường hợp này, chị H. có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân bằng cách gửi đơn khiếu nại đến tòa án địa phương để khắc phục ngay tình trạng này. Việc này là cần thiết vì quá trình giải quyết ly hôn, có rất nhiều văn bản cần được tống đạt. Nếu không kịp thời lên tiếng, có thể còn nhiều văn bản khác tiếp tục được tống đạt theo hình thức chị H. không hề mong muốn.

Khi đơn khiếu nại được gửi đi, tòa án địa phương có trách nhiệm giải thích cho công dân về việc tống đạt văn bản và bồi thường (nếu cần thiết). Nếu sau 10 ngày, kể từ ngày tòa án nhận được khiếu nại mà không thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, chị H. có thể tiếp tục khiếu nại lên tòa án cấp cao hơn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Tin liên quan

Cách gỡ bỏ phần mềm theo dõi điện thoại hiệu quả

5 tuyệt chiêu ngoại tình trốn công sở

Chia sẻ 3 cách theo dõi vợ / chồng ngoại tình hiệu quả nhất

Cách chia tài sản sau ly hôn theo quy định mới nhất năm 2022 ?

Theo dõi điện thoại không cần cài đặt phần mềm lên máy người khác?

Kết hôn với con riêng của mẹ kế có vi phạm pháp luật không?

Các vấn đề về ly hôn theo quy định pháp luật

Top 5 thiết bị thám tử thông dụng nhất hiện nay

Những nội dung cơ bản Luật Doanh nghiệp

Cách phát hiện máy ghi âm đơn giản