Phải nộp bao nhiêu tiền để được tại ngoại?

Tôi có em trai phạm tội cố ý gây thương tích, vụ việc đã được khởi tố. Nay tôi muốn xin tại ngoại cho em tôi. Xin hỏi trường hợp này tôi phải nộp số tiền bao nhiêu để em trai tôi được tại ngoại. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Mức tiền đặt để bảo đảm được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC như sau:

“Điều 4. Mức tiền đặt để bảo đảm

1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới:

a) Ba mươi triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) Một trăm triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) Hai trăm triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) Ba trăm triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới một phần hai (1/2) mức tương ứng quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, là người được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân hoặc được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, của gia đình được tặng bằng “Gia đình có công với nước”;

b) Bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.”

Như vậy, mức tiền đặt để bảo đảm căn cứ vào tội phạm được phân loại ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về phân loại tội phạm như sau:

“Điều 9. Phân loại tội phạm

1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”

Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích như sau:

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

...

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

...

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

...

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Căn cứ quy định trên, tùy trường hợp em bạn phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng; từ đó xác định được số tiền đặt để bảo đảm.

Xem thêm quy định về việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm tại Điều 122 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 và Điều 22 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC.

Tin liên quan

Cách gỡ bỏ phần mềm theo dõi điện thoại hiệu quả

5 tuyệt chiêu ngoại tình trốn công sở

Chia sẻ 3 cách theo dõi vợ / chồng ngoại tình hiệu quả nhất

Cách chia tài sản sau ly hôn theo quy định mới nhất năm 2022 ?

Theo dõi điện thoại không cần cài đặt phần mềm lên máy người khác?

Kết hôn với con riêng của mẹ kế có vi phạm pháp luật không?

Các vấn đề về ly hôn theo quy định pháp luật

Top 5 thiết bị thám tử thông dụng nhất hiện nay

Những nội dung cơ bản Luật Doanh nghiệp

Cách phát hiện máy ghi âm đơn giản