Thủ tục khởi kiện ra tòa để đòi nợ như thế nào?

Việc thu hồi nợ bằng con đường khởi kiện ra tòa án tồn tại nhiều bất cập về thời gian thực hiện và hồ sơ, giấy tờ pháp lý chứng minh khoản vay. Không những thế việc thi hành án đối với việc đòi nợ cũng còn nhiều bất cập. Luật sư phân tích và giải đáp một số vướng mắc liên quan:

1. Thủ tục khởi kiện ra tòa để đòi nợ ?

Thưa luật sư, xin hỏi: “Một số người nợ tiền bán hàng của tôi đã quá hạn rất lâu nhưng không chịu trả. Nếu tôi kiện, tòa tuyên buộc phải trả tiền nhưng họ cố tình chây ỳ không trả tiền thì tôi phải làm sao? Pháp luật có biện pháp gì buộc họ phải trả tiền không"?

Cảm ơn!

(Huyền, Hà )

Trả lời:

Thứ nhất, về thủ tục khởi kiện ra tòa để đòi nợ:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Quyền sở hữu đối với tài sản vay: Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.

Nghĩa vụ của bên cho vay : Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.

Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó. Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác.

Thủ tục đòi nợ

Nghĩa vụ trả nợ của bên vay: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015; Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Đơn khởi kiện cần có những nội dung về thông tin cá nhân của bạn, của những người nợ tiền bán hàng, hóa đơn, chứng từ, giấy vay nợ,... để chứng minh về việc những người đó nợ tiền bán hàng.

+ Sau khi nhận được đơn khởi kiện của bạn, tòa án sẽ thực hiện những thủ tục sau: xem xét đơn, thụ lý vụ án và yêu cầu nộp tạm ứng án phí; xác minh, thu thập chứng cứ; tiến hành phiên họp. kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Trong trường hợp các đương sự không thể hòa giải với nhau, tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử. 

Thứ hai, về thủ tục yêu cầu thi hành án:

+ Theo quy định tại Điều 4 Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014thì bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án. Như vậy, trong trường hợp khi bản án (hoặc quyết định) của tòa án buộc những người nợ tiền phải thanh toán đầy đủ cho chị các khoản nợ nhưng bên vay vẫn tiếp tục chây ỳ không tự nguyện hoàn trả thì bạn có quyền yêu cầu thi hành án.

+ Theo quy định tại Điều 30 và Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, bạn có tự mình hoặc ủy quyền cho người khác làm đơn yêu cầu thi hành án gửi tới cơ quan thi hành án cấp quận, huyện nơi tòa án xét xử sơ thẩm để yêu cầu thi hành án.

+ Đơn yêu cầu thi hành án bao gồm các nội dung sau: Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án; nội dung yêu cầu thi hành án; thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

+ Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có. Người yêu cầu thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án gồm: Phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.

+ Cơ quan thi hành án sẽ ra thông báo thi hành án, ấn định cho người phải thi hành án một thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn tự nguyện nói trên, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

+ Việc cưỡng chế thi hành đối với tài sản là tiền sẽ được cơ quan thi hành án áp dụng một trong các biện pháp như khấu trừ tiền trong tài khoản; trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; thu tiền của người phải thi hành án đang giữ hoặc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ hoặc phát mại tài sản của người phải thi hành án để thu nợ…

2. Thủ tục ủy quyền cho người khác đòi nợ hộ ?

Thưa luật sư tôi xin hỏi: Công ty A có nợ người thân của tôi số tiền là 153 triệu. Nay người thân muốn ủy quyền lại cho tôi để giải quyết công nợ. Xin hỏi quý công ty, tôi phải làm những thủ tục gì để đòi được số tiền trên hợp pháp?

Xin cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Khi người thân của bạn muốn ủy quyền lại cho bạn để giải quyết công nợ thì cần có văn bản ủy quyền với nội dung: A ủy quyền cho B đòi số nợ là 153 triệu đồng từ người có nghĩa vụ là Công ty A.

Với văn bản ủy quyền đòi nợ, bạn có quyền đến gặp người đại diện của Công ty A, yêu cầu Công ty A trả nợ.

Trong trường hợp công ty không chịu trả thì người thân của bạn có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của họ. Đơn khởi kiện vẫn phải ký tên người thân của bạn mà không phải là bạn. Sau đó, trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp tại Tòa án, người thân của bạn vẫn có thể ủy quyền cho bạn tham gia tại Tòa giải quyết tranh chấp.

Hạn chế của việc ủy quyền này thể hiện ở chỗ: bạn chỉ có tư cách thay mặt - đại diện cho người thân, các hoạt động đòi nợ bạn thực hiện đều vì quyền và lợi ích của người này.

Mặt khác, ngoài việc ủy quyền, bạn còn có thể lựa chọn hình thức chuyển giao quyền yêu cầu. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 365. Chuyển giao quyền yêu cầu

1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:

a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.

2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.

Tin liên quan

Các cách định vị số điện thoại

Quan hệ tình cảm với người đã có vợ sẽ bị xử lý thế nào?

Cách để biết ôtô có bị phạt nguội hay không?

Cách lấy lại số tài khoản ngân hàng bị quên

Trốn cấp dưỡng sau ly hôn: Nâng mức phạt đến 10 triệu đồng

Phụ nữ độ tuổi nào dễ ngoại tình nhất?

6 cách nhận biết điện thoại bị theo dõi mà bạn phải biết

Thủ tục đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thủ tục ly hôn theo quy định tòa án mới nhất 2022

Phân biệt người làm chứng và người chứng kiến trong TTHS